Dịch virus Corona bùng phát và diễn biến phức tạp, tác động lớn đến nhiều ngành nghề dịch vụ, trong đó có dịch vụ vận tải khách.
Những ngày gần đây, các bến xe khách lớn của Hà Nội đều trong tình trạng vắng khách (Chụp tại bến xe Mỹ Đình sáng 9/2)
Các đơn vị kinh doanh vận tải đang phải đối mặt với những thách thức không dễ vượt qua khi sản lượng vận chuyển sụt giảm mạnh.
Doanh nghiệp chịu bù lỗ, lo phá sản
Ghi nhận của PV Báo Giao thông cho thấy, lượng khách tại các bến xe khách lớn của Hà Nội như: Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình những ngày gần đây rất vắng. Ông Lý Trường Sơn, Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho biết, trước đây trung bình bến xe đón khoảng 10 nghìn hành khách/ngày nhưng thời điểm này lượng khách đã giảm một nửa. Một số nhà xe cũng giảm 15 - 20% lượng xe so với trước.
Tình cảnh tương tự cũng diễn ra tại bến xe Miền Tây (TP HCM) khi các quầy vé đều trống trải. Theo thống kê, lượng khách hành đi - đến bến trong 10 ngày sau Tết giảm gần 20% so với Tết năm trước.
Tại các địa phương khác như: Điện Biên, Hà Tĩnh, Nghệ An, Đắk Lắk, Lâm Đồng... số lượng hành khách qua bến đều sụt giảm từ 30 - 50%, tác động lớn tới các đơn vị vận tải.
Ông Hồ Thanh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty xe khách Tuấn Nga (hoạt động tại bến xe Miền Tây) cho biết, doanh nghiệp có 26 xe, trong đó có 9 xe giường nằm VIP loại 20 buồng riêng và 19 xe giường nằm 41 chỗ. Tuy nhiên, những ngày này, xe nhiều nhất cũng chỉ đón được chưa đầy 10 khách. “Để đầu tư 9 xe VIP loại 20 buồng mới, hiện đại, công ty đã bỏ ra gần 4 tỷ đồng cho mỗi chiếc. Trong đó 70% nguồn vốn là vay từ ngân hàng, mỗi tháng công ty phải trả 540 triệu đồng tiền lãi”, ông Tuấn ngao ngán.
Ông Lê Đình Dũng, chủ xe Lê Dũng thuộc HTX vận chuyển khách và hàng hóa dịch vụ Điện Biên cũng thông tin, đơn vị bị sụt giảm doanh thu rất lớn, thậm chí đang phải bù lỗ để duy trì lốt. Hiện, các chuyến chạy tuyến cố định của nhà xe đang lỗ từ 7 - 10 triệu đồng/chuyến. Trước đây, khách phải gọi điện đặt chỗ trước hoặc có vé sẵn mua từ bến, thì nay một chuyến xe 41 giường đi từ Điện Biên xuống Hà Nội chỉ có khoảng 5 - 6 khách.
Một chủ nhà xe có tuyến xe chạy đường dài từ bến xe Giáp Bát - Đà Nẵng cũng ngán ngẩm cho biết: “Nếu dịch kéo dài và tình hình không được cải thiện, chúng tôi chỉ còn nước phá sản”. Còn đại diện nhà xe M.H có 4 xe chuyên chạy tuyến Vinh - Hà Nội lo ngại: “Cứ đà ngày doanh nghiệp sẽ lỗ nặng. Chi phí tiền xăng dầu, lơ lái, phí cầu đường mỗi chuyến mất 3 triệu đồng. Trong khi, hiện mỗi chuyến chỉ có 5 - 7 hành khách, nhân với giá vé 200.000 đồng/lượt thì chúng tôi phải bù lỗ một nửa”.
Xe buýt, taxi chung số phận
Tuy chưa có con số thống kê cụ thể về sự sụt giảm, song theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, các chuyến xe buýt tại Hà Nội những ngày này rất vắng khách, một phần do lượng lớn sinh viên, học sinh đang được nghỉ để phòng, chống dịch. Tuy nhiên, nguyên nhân rất có thể là do người dân đã hạn chế di chuyển, sử dụng phương tiện công cộng trong những ngày qua do lo sợ lây nhiễm dịch bệnh.
Tuyến buýt số 30 Mỹ Đình - Mai Động xuất phát tại bến xe Mỹ Đình sáng 9/2 chỉ có hai hành khách
Tại Quảng Ninh, hàng chục chiếc xe buýt chạy tuyến Bãi Cháy - Vân Đồn - Mông Dương của Công ty CP bus Vân Đồn cũng đang lao đao vì sụt giảm hành khách. Ông Ngô Sơn Hà, Giám đốc công ty cho biết, hiện nay công ty vẫn đang duy trì 138 chuyến xe buýt Bãi Cháy - Vân Đồn và 78 chuyến Bãi Cháy - Mông Dương. Nếu như trước đây có khoảng 10 lượt khách/chuyến thì nay chỉ còn 3 lượt. Nhiều chuyến xe ghế trống nhưng vẫn buộc phải chạy. “Nếu hết tháng 2 tình hình dịch vẫn phức tạp thì công ty sẽ xem xét tạm nghỉ một số chuyến để giảm lỗ”, ông Hà cho hay.
Tương tự, Công ty CP Vận tải ô tô Hà Tĩnh đang có gần 90 xe buýt chạy nội và ngoại tỉnh, tuy nhiên so với cùng kỳ năm ngoái, lượng khách sụt giảm khoảng 40%, ảnh hưởng trực tiếp đến 400 lao động.
Về phía các hãng taxi, ông Nguyễn Anh Quân, Tổng giám đốc Taxi G7 cho biết, hiện dịch vụ đưa đón khách tại sân bay của G7 sụt giảm đến 60%, lượng khách chung giảm khoảng 40%. Doanh thu của doanh nghiệp cũng giảm theo với tỷ lệ tương ứng với trên 2.000 xe, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng sẽ khá lớn.
Ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc taxi Thăng Long cũng thông tin, thời gian qua, lượng khách sụt giảm, doanh thu của công ty giảm khoảng 40%. “Với khoảng 300 xe, hiện đã có khoảng 5% số xe này đã dừng hoạt động. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản”, ông Long thở dài.
Kiến nghị xem xét giảm thuế, cơ cấu lại nợ
Theo ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, do người dân hạn chế tối đa việc đi lại nên các hãng taxi ở Hà Nội sụt giảm khoảng 30 - 40% doanh thu, đơn cử một doanh nghiệp lớn trước đây có khoảng 10.000 cuộc gọi đặt xe/ngày thì đến nay con số này giảm xuống còn khoảng 3.500 cuộc.
Ông Hùng cho biết, trong điều kiện sụt giảm doanh thu nhưng các chi phí khác như: Lãi vay ngân hàng, các loại thuế, phí, lương cho người lao động, vật tư, sửa chữa... vẫn giữ nguyên gây khó cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. “Ngành vận tải là xương sống của nền kinh tế, trong lúc khó khăn, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ; xem xét miễn giảm thuế VAT; kéo dài thời gian cho doanh nghiệp chậm nộp BHXXH và không thu lãi”, ông Hùng đề xuất.
Còn theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, theo ước tính, lượng khách qua các bến xe, khách đi taxi giảm sút nghiêm trọng, trên dưới 50%, doanh thu theo đó cũng giảm theo. Tại các cửa khẩu, xe vận tải hàng hóa phải chờ đợi tại các cửa khẩu cũng còn khá nhiều. “Trên cơ sở tập hợp ý kiến, kiến nghị của hội viên, Hiệp hội sẽ có văn bản gửi Chính phủ xem xét giảm thuế, cơ cấu lại nợ vay ngân hàng đầu tư phương tiện, giảm phí sử dụng đường bộ... để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải”, ông Quyền cho biết.
Trong khi đó, chiều 11/2, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank đã phát đi thông báo về việc hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh nCoV. Cụ thể, các đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất kinh doanh thuộc các lĩnh vực: Vận tải kho bãi; dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn; thực phẩm và đồ uống có cồn; xuất nhập khẩu chủ yếu với thị trường Trung Quốc... Biện pháp hỗ trợ là thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ, không tính lãi suất phạt quá hạn và giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu; cho vay mới với lãi suất ưu đãi... Thời gian thực hiện từ ngày 11/2/2020 đến hết ngày 30/4/2020.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch nCoV. Cơ quan này yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do ảnh hưởng của dịch nCoV. Tuy nhiên, kinh doanh vận tải không được nhắc đến trong số ngành, lĩnh vực có thể bị ảnh hưởng nhiều.
Theo Báo Giao thông