Tình hình Logistics thế giới năm 2019

AST GROUP - 20/12/2019

1. Tình hình chung Logistics thế giới 2019

Xu hướng tự động hóa đang làm thay đổi nền sản xuất toàn cầu cũng như hoạt động logistics phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Số hóa nền kinh tế, đổi mới cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, văn hóa tiêu dùng, sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế chia sẻ đang giúp logistics liên ngành và xuyên biên giới phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Về quy mô lĩnh vực logistics toàn cầu (gồm cả logistics tự thực hiện và dịch vụ logistics – thuê ngoài), do sự phức tạp đó nên các thống kê và đo lường về quy mô thị trường logistics toàn cầu vẫn chưa thống nhất, đặc biệt trong bối cảnh có sự đan xen rất lớn giữa các loại hình logistics và tích hợp các hoạt động trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Theo báo cáo “Logistics Service Market Report – Forecast up to 2027” phát hành bởi Market Research Future, doanh thu thị trường dịch vụ logistics (3PL, 4PL) toàn cầu đạt trên một nghìn tỷ USD trong năm 2019 (tăng so với mức 900 tỷ USD năm 2018) và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,9%/năm trong giai đoạn dự báo 2019 – 2027, đạt trên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2027.

 

Logistics E-Commerce

 

Thương mại toàn cầu trở nên khó dự đoán hơn, với tác động đan xen của các FTA (hiệp định thương mại tự do) thế hệ mới và các rào cản thương mại, các yếu tố bất lợi về địa chính trị… khiến nhiều chủ hàng và các công ty logistics phải liên tục điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Sự phát triển của các nền tảng thương mại và thanh toán điện tử toàn cầu như Alibaba, Amazon và e-Bay, đã cho phép nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại các thị trường mới nổi tiếp cận người tiêu dùng trên toàn thế giới bằng cách mở rộng các kênh tiếp thị, hệ thống phân phối và logistics xuyên biên giới của họ. Đồng thời, nhiều công ty đa quốc gia đang tập trung kế hoạch đầu tư phát triển mạng lưới logistics ở các thị trường mới nổi để tận dụng mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng, nguồn lực tại chỗ và đáp ứng đúng thị hiếu địa phương.

2. Logistics theo các khu vực địa lý trên thế giới

Gần 60% dân số thế giới sống ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với nhiều quốc gia trong khu vực là trung tâm sản xuất của thế giới giúp khu vực này duy trì vị trí đứng đầu về thị trường logistics thế giới trong năm 2019.

 

Geography Logistics

 

Năm 2019 chứng kiến tác động của CPTPP đến các nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, tạo ra các chuỗi cung ứng hoàn thiện hơn trong khu vực. Phần lớn các dịch vụ logistics bắt đầu có sự liên thông để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho các sản phẩm nhờ quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng bắt đầu từ việc cung cấp nguyên liệu thô cho đến khi giao hàng cuối cùng. Ngoài các thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc…, các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Á, đặc biệt là Ấn Độ và Đông Nam Á được dự kiến sẽ thúc đẩy thị trường dịch vụ logistics toàn cầu trong những năm tới. Trong đó Châu Á có tốc độ tăng trưởng bình quân là 5%/năm.

3. Các xu hướng chính của ngành Logistics

Theo dự báo của Diễn đàn Giao thông vận tải quốc tế (ITF) năm 2019, nhu cầu vận tải toàn cầu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong ba thập kỷ tới, dự kiến sẽ tăng gấp ba vào năm 2050. Lượng khí thải CO2 do hoạt động vận chuyển sẽ tăng 4%. Ngược lại, sự gia tăng quy mô lớn của công nghệ in 3D trong sản xuất và sử dụng tại nhà có thể làm giảm 28% khối lượng vận chuyển hàng hóa toàn cầu và 27% lượng khí thải CO2 liên quan đến hoạt động logistics. Các tuyến thương mại mới có thể ảnh hưởng đến khối lượng thương mại toàn cầu, chuỗi logistics và cơ sở hạ tầng giao thông. Sự ra đời của công nghệ mới nhằm cải thiện hiệu quả logistics được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến vận tải hàng hóa trong thời gian tới.

Global Logistics

 

Những thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu (về quy mô, cấu trúc, phân bổ theo địa lý), đặc biệt trước những biến động lớn trong thương mại quốc tế là nhân tố tác động mạnh nhất tới lĩnh vực logistics thế giới trong năm 2019 và trong thời gian tới. Các ngành có những thay đổi lớn và có tốc độ phát triển nhanh về dịch vụ logistics gồm sản xuất thực phẩm, hóa mỹ phẩm, bán lẻ (do tác động của thương mại điện tử), sản xuất các mặt hàng công nghiệp có tính quốc tế hóa cao (sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép…).

Ngoài ra, ngành công nghiệp hàng không vũ trụ cũng thu hút những sáng kiến lớn về logistics do yêu cầu phức tạp và gần như hoàn hảo trong quy trình cung ứng. Dịch vụ 3PL và 4PL là đầu kéo của thị trường logistics toàn cầu. Trong đó, các dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn gồm có: giao nhận hàng hóa, quản lý vận chuyển hàng hóa, tư vấn, tối ưu hóa tuyến đường, quản lý dự án, quản lý kho và lưu trữ và tư vấn chuỗi cung ứng trong số các dịch vụ logistics khác. Không chỉ vậy, những hoạt động liên quan đến việc áp dụng các dịch vụ logistics công nghệ cao như theo dõi và giám sát, phân tích, dự báo và lập kế hoạch theo thời gian thực dự kiến sẽ mang lại nhiều cơ hội sinh lời cho thị trường dịch vụ logistics trong những năm tới.

 

Space Logistics

 

Liên kết trong cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics tiếp tục là lựa chọn của các nhà sản xuất lớn để xây dựng chuỗi cung ứng phù hợp và cải thiện tính linh hoạt trong hoạt động toàn cầu. Năm 2019 chứng kiến làn sóng M&A sôi động trong lĩnh vực logistics do áp lực cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh thương mại toàn cầu biến động mạnh. Chạy đua về công nghệ tiếp tục tạo lợi thế cạnh tranh, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa chi phí, trách nhiệm, linh hoạt và giảm rủi ro. Do đó, thúc đẩy sự ra đời và đổi mới một loạt các giải pháp logistics tiên tiến. Tác động của các quy định về bảo vệ môi trường và an toàn lao động trong ngành logistics tác động lớn đến toàn bộ ngành logistics thế giới.

Theo “Báo cáo Logistics Việt nam 2019 – Bộ Công Thương”

Tags : 2019, Logistics, Tình hình
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
avatar
Xin chào
close nav